Những ngọn gió đầu mùa đã bắt đầu se lạnh. Trên con đường này, ngày nào tôi cũng đi qua, cũng con đường đất ngoằn ngoèo uốn khúc, cũng những chiếc lá me bay bay, nhưng tại sao hôm tay tôi lại cảm nhận rằng: cảnh vật buồn buồn bâng khuâng làm tôi khó tả.
Có phải chăng những phút giao mùa như thế này con người ta thường cảm thấy như vậy không? Chắc hẳn là không. Thế là vì một nguyên nhân nào khác chăng? À! Thì ra đấy là kỷ niệm một mùa đông.
Mùa đông năm ấy, khi tôi còn là cô học sinh cấp III của trường, tôi cũng như bao cô bạn khác, cũng hồn nhiên ngây thơ tung tăng cắp sách đến trường một cách vô tư. Hồi ấy, tôi chỉ biết học, chơi và chưa bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương như những đứa bạn cùng lứa.
Cứ mỗi buổi sáng, tôi thức dậy thật sớm để đến trường, mặc dù từ nhà đến trường cũng khá xa, đường xá thôn quê ngày xưa đi lại rất khó khăn “cầu tre lắc lẻo” nên bạn tôi đành phải đi bộ.
Ngày nào cũng vậy, tôi đi học rất đúng giờ khi trống trường giờ vào lớp thì tôi cũng vừa bước vào chỗ ngồi, và khi trống tan trường vang lên, tôi cũng từ trong lớp phóng thẳng một mạch về đến nhà. Lúc nào tôi cũng như một cái máy đến lớp và ra về trong sự vất vả như vậy.
Bỗng có một hôm, vì bận ở lại lớp làm cho xong tờ báo tường để kịp chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam 20 tháng 11, nên khi tôi vừa vụt ra khỏi lớp, hình như giác quan thứ sáu đã báo cho tôi biết là có kẻ nhìn trộm. Quả đúng không sai, khi tôi ngẩng lên thì bên kia đường một gã thanh niên có gương mặt quen quen đã mỉm cười nhìn tôi tự lúc nào. Phần tôi cũng chưa hề biết tên hắn.
Hắn bước đến hỏi:
- Chào cô bé! Sao hôm nay về trễ vậy?
Tôi vẫn im lặng.
Hắn tiếp:
- La cà phải không? Anh về méc má cho coi!
Nãy giờ hắn cứ hỏi nói làm như đã quen biết tôi từ lâu lắm rồi vậy. Tôi lại nhìn hắn như một kẻ từ hành tinh nào lạc đến và nghĩ bụng: “Trước đến giờ tôi rất ghét những kẻ không quen, không biết mà tự dưng lại hỏi chuyện như đã thân mật từ lúc nào”. Vì bụng đang đói nên tôi cau có:
- Mắc mớ gì đến ông mà ông đòi méc má tui chứ?
Nói xong tôi định bỏ đi.
Nhưng gã không quen kia đâu chịu để cho tôi đi. Hắn bước đến chặn tôi lại và hình như hắn không nhận thấy vẻ bừng bừng “sát khí” trên gương mặt của tôi.
Hắn nói:
- Làm gì mà dữ quá vậy bé, nói cho anh nghe đi, tại lý do nào bé lại về trễ, vì mỗi khi trống tan trường lúc nào anh cũng thấy bé là người đầu tiên bước ra khỏi lớp, nhưng sao hôm nay bé lại trễ hơn nửa giờ rồi vậy?
Tôi nhìn hắn nghĩ thầm: “Thì ra hắn đã theo dõi ta như thế sao? Tại sao hắn lại có nhiều thời gian quá vậy, hay là hắn làm việc ở cơ quan nào gần đây nên ta thấy hắn có vẻ quen quen. Tại sao hắn lại theo dõi mình… vân vân”. Còn rất nhiều câu tại sao nữa. Nghĩ đến đây tôi không dám nghĩ xa hơn. Một lần nữa tôi nói gần như gắt:
- Ơ cái ông này, tự nhiên cản đường không cho tui về sao chứ?
Hắn lại thản nhiên:
- Bộ anh già lắm hay sao mà bé gọi anh bằng ông vậy? Bé nhìn kỹ anh đi, anh đây cũng đâu đến nỗi nào, phải vậy không?
Nghe đến đây tôi nghĩ thầm: “Thì ra nhìn kỹ lại hắn chỉ hơn mình độ vài tuổi, nhưng tại sao hắn lại gọi mình bằng bé, vậy mới tức chứ?”.
Vì bụng đang đói, hắn thì không quen mà cứ làm “kì đà cản mũi” nghĩ đến đây tôi không bực sao được, tôi càng phản đối.
- Tui đã nói rồi, tui không quen ông một lần nữa yêu cầu ông tránh sang một bên cho tui về.
Lần này hình như hắn đã thấy được gương mặt giận của tôi nên xuống nước nhỏ.
- Được, bé muốn về thì từ này về sau phải gọi bằng anh, nếu không bé chưa về được đâu.
Tức thiệt chứ, cái ông này không quen biết nói chuyện với mình như ra lệnh vậy. Nghĩ đến đây, tôi định xí…!! một hơi cho rõ dài rôi bất chấp bỏ đi, cho hắn một bài học ê cả mặt. Từ nay về sau cho hắn bỏ tật “Tự nhiên sao cứ tự nhiên” ấy! Nhưng giữa lúc đó tôi lại nhìn thấy ông thầy chủ nhiệm đang đi về phía mình, sợ thầy biết chuyện và cũng không muốn kéo dài cuộc đối thoại không mấy gì thú vị này, nên tôi buộc lên tiếng cho qua chuyện:
- Thôi được, tôi về nha anh.
Có vậy tôi mới thoát khỏi cảnh bực dọc ấy. Vừa đi tôi vừa lầm thầm: “Anh, anh của mấy đứa trẻ mẫu giáo ở trường mầm non bên cạnh ớ, chứ với ta đừng hòng”. Nghĩ rồi, tôi xem như chuyện bình thường không để tâm đến.
Thế là một tuần trôi qua, tôi cũng đến trường và cũng quên mất gã không quen hôm nào. Rồi có một hôm không hiểu lý do gì tôi đến lớp trễ. Từ đằng xa tôi đã nghe tiếng trống trường giục giã thôi thúc làm chân tôi luống cuống đi muốn ngã và cũng không cần biết bên đường kia có một kẻ đứng chờ. Hôm nay gã có vẻ bạo dạn hơn, bước vội đến khi thấy tôi:
- Sao hôm nay bé đến muộn vậy? Ngủ trưa phải không?
Đang có chuyện bực mình lại gặp phải “kì đà” nữa. Tôi đứng ngay lại dằn từng tiếng:
- Lại là ông nữa à?
Nói rồi tôi đi thẳng vào lớp để lại trong đầu gã một sự ngẩn ngơ và ý nghĩ về cô học trò cứng đầu như tôi.
Vừa ngồi xuống ghế, một phần vì sợ thầy rày, một phần bực mình vì đi trễ cũng may mà hôm đó thầy không gọi trả bài, nếu có tôi sẽ lãnh con zêrô to tướng.
Cùng lúc ấy tôi lại được truyền tay một lá thư có nội dung: “Hẹn bé giờ tan trường. Kí tên: S”, thư chỉ vọn vẹn có bấy nhiêu nhưng không hiểu tại sao hôm ấy tất cả bài giảng của thầy cô, tôi đều cố gắng hết sức lắng nghe vậy mà cũng chẳng hiểu nổi.
Tôi đã biết anh kể từ hôm ấy. Ngày tháng trôi qua, tôi và anh đã trở thành đôi bạn rất thân. Vì cơ quan của anh ở cạnh trường nên chúng tôi có rất nhiều thời gian gần gũi, tình cảm hai đứa ngày một đậm đà và tôi đã quên bẵng đi tôi đã thay tiếng “ông” tự lúc nào. Những ngày tháng ấy chúng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm dưới mái trường cũng như trên con đường kỷ niệm đó.
Bỗng có một hôm anh đến nhà tìm tôi báo tin rằng: “Ngày mai anh lên đường làm nghĩa vụ”. Khi nghe tin ấy tôi thật bàng hoàng và thầm trách rằng tại sao anh cho mình biết quá muộn. Nhưng tôi lại nghĩ “anh phải đi vì quê hương đất nước đang cần”. Vì hay tin muộn nên kỉ vật của tôi làm kỷ niệm cho anh trước lúc lên đường là những lời động viên, an ủi.
Khi ra về tôi tiễn chân anh một đoạn đường, cũng con đường có lá me bay khi những ngọn gió đông thổi về lành lạnh. Đi bên anh tôi càng tin tưởng rằng anh sẽ là người giúp ích rất nhiều cho đất nước quê hương mình. Vì tôi hiểu tính tháo vát, lanh lợi, thông minh, và nhất là tính kỷ luật của anh. Tư chất ấy rất phù hợp với tác phong của người lính.
Ngày nay cũng con đường này, cũng khí trời lành lạnh của mùa đông năm xưa, và cũng dưới mái trường quen thuộc, nhưng tất cả đã vào dĩ vãng, tất cả đã ra đi theo năm tháng. Bây giờ tôi không còn là cô học trò ngây thơ của ngày nào nữa, mà giờ đây tôi đã là một cô giáo rồi. Kỷ niệm ngày xưa còn đó. Nhưng người xưa đã xa rồi.
Theo Phạm Thị Tuyết Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét